10/04/2023 - Đăng bởi : Nguyễn Hoài Vũ
Hải quan TPHCM trao đổi với doanh nghiệp tại Hội nghị đối thoại ngày 31/3/2023. |
Chờ ý kiến các bộ chuyên ngành
Công ty TNHH Kintetsu World Express Việt Nam, chuyên làm về lĩnh vực logistics đặt câu hỏi, liên quan đến việc triển khai quy định miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh (hàng hóa phi mậu dịch) tại Nghị định số 13/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã có công văn số 11827/BTC-TCHQ ngày 14/11/2022 đề nghị các bộ có văn bản hướng dẫn rõ quy định về các trường hợp cũng như thủ tục, chứng từ để thực hiện. Vậy dự kiến khi nào các bộ, ngành liên quan sẽ ban hành văn bản hướng dẫn này.
Giải đáp nội dung này, Cục Hải quan TPHCM cho biết, tại Công văn số 11827/BTC-TCHQ ngày 14/11/2022 của Bộ Tài chính về việc triển khai quy định miễn kiểm tra chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh tại Nghị định số 13/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm có văn bản hướng dẫn quy định miễn kiểm tra nhà nước về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh. Bộ Tài chính đề nghị các bộ hướng dẫn rõ: Những trường hợp nào được xem là hàng hóa nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh được miễn kiểm tra; thủ tục xin miễn kiểm tra (nếu có); chứng từ, hình thức chứng từ phải nộp cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa được miễn kiểm tra (nếu có). Tuy nhiên đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được hướng dẫn của các bộ quản lý chuyên ngành về vấn đề trên. Cơ quan Hải quan sẽ thông báo ngay cho cộng đồng doanh nghiệp khi có hướng dẫn của các bộ quản lý chuyên ngành.
Cũng về vấn đề này, doanh nghiệp phản ánh trong quy định nêu trên, việc miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu cho các loại hàng hóa không nhằm mục đích kinh doanh theo quyết định của bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực gây phiền toái về thủ tục hành chính. Mặc dù được gọi là được miễn kiểm, nhưng phải đi xin quyết định miễn kiểm để được thông quan. Doanh nghiệp đề nghị các cơ quan quản lý điều chỉnh lại câu chữ để tạo điều kiện thuận lợi cho loại hình nhập khẩu này.
Liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng, đại diện Công ty TNHH Techtronic Industries Việt Nam manufacturing cho biết, công ty chuyên sản xuất thiết bị điện, thiết bị cầm tay nên rất quan tâm việc áp dụng cơ chế miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng theo quy định tại Luật Quản lý ngoại thương. Hướng dẫn doanh nghiệp về nội dung này, Cục Hải quan TPHCM cho biết, tại Điều 57 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng như sau:
"Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa như đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam.
Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương, trừ biện pháp cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, biện pháp kiểm dịch đối với hàng hóa được đưa từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng.
Chỉ áp dụng một lần các biện pháp quản lý hàng hóa nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng.
Hàng hóa quy định tại khoản 2 Điều này phải chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định khác của pháp luật có liên quan."
Tuy nhiên, việc miễn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu vực Hải quan cũng phải tuân thủ theo các luật kiểm tra chuyên nghành.
Cần rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thủ tục kiểm tra chuyên ngành mặc dù đã được cải thiện hơn trước, song vẫn là điểm nghẽn đối với hàng hóa XNK vì mất nhiều thời gian. Về việc đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước cho hàng hóa nhóm 2, tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP, tại điểm b khoản 3 điều 1 có nêu: “Trong thời hạn 1 ngày làm việc, cơ quan kiểm tra xác nhận người nhập khẩu đã đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu trên bản đăng ký của người nhập khẩu. Người nhập khẩu nộp bản đăng ký có xác nhận của cơ quan kiểm tra cho cơ quan Hải quan để được phép thông quan hàng hóa”. Một số doanh nghiệp đặt câu hỏi, vậy các bộ chuyên ngành đã triển khai để đăng ký kiểm tra chất lượng và trả kết quả online chưa. Vì hiện tại thời gian đăng ký kiểm tra chất lượng bằng hồ sơ giấy để có xác nhận từ các bộ chuyên ngành là khá lâu, không phải một ngày làm việc như văn bản quy định mà thực tế có những lô hàng mất đến 4-5 ngày làm việc mặc dù hồ sơ đầy đủ theo quy định.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp về kiểm tra chuyên ngành, ông Đặng Thái Thiện, Phó Trưởng phòng Giám sát quản lý- Cục Hải quan TPHCM cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Bộ Tài chính đã dự thảo nghị định và lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, khi nghị định về kiểm tra chuyên ngành được thông qua, sẽ là bước cải tiến mạnh mẽ về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK.
Hiện nay, quy định cụ thể thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền cho phép mang hàng về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành đã được hướng dẫn tại Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC. Người khai hải quan cần lưu ý về tài liệu chứng minh địa điểm đưa hàng về bảo quản, trách nhiệm của người khai hải quan, các trường hợp không được mang hàng về bảo quản. Theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 33 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định 59/2018/NĐ-CP thì “Trường hợp quá thời hạn theo quy định mà cơ quan quản lý chuyên ngành, tổ chức kiểm tra chuyên ngành chưa có kết luận kiểm tra chuyên ngành thì phải có văn bản nêu rõ lý do và ngày ra kết luận kiểm tra gửi cơ quan Hải quan”. Do đó, trong trường hợp nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành trễ hạn mà do lỗi của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp đề nghị cơ quan kiểm tra chuyên ngành có xác nhận bằng văn bản để chi cục hải quan có cơ sở xem xét giải quyết.
Nguồn: Báo Hải quan